Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Gọi chồng !!!

Gọi chồng !!!

THƠ VĂN


Nén hương thơm thấu cửu trùng...
Chắp tay khấn gọi tên chồng
mình ơi!...
Khôn thiêng góc biển chân trời
Về nhà cùng mẹ con tôi đi mình!
Bốn mươi năm hết chiến tranh
Sao mình vẫn phải hành quân chưa về?
Mỗi chiều nắng tím ven đê
Thẫn thờ vẫn ngóng mình về, mình ơi!
Mình lên đường tuổi đôi mươi
Hình xưa ánh mắt nụ cười còn đây
Bây giờ theo gió theo mây
Phiêu du, mình nhớ lối này về không?
Bốn mươi năm vẫn ngóng trông
Mẹ con tôi vẫn âm thầm chắp tay
Ảnh minh họa
Chập chờn giữa khói sương bay
Chân hương phủ bát nhang đầy tháng năm.
Trước bằng “ Tổ Quốc ghi công”
Mâm cơm đạm bạc, tấm lòng sắt son
Ngần ấy năm vẫn vẹn tròn
Con tim nay đã thành hòn Vọng Phu.
Ngàn lời gửi cõi hư vô
Về đây tôi vẫn đợi chờ mình ơi!
       Tháng 7/2015
Trịnh Quang Minh (Hương Lâm)
Lời bình:
Trịnh Quang Minh (Hương Lâm) có nhiều bài thơ hay, nhưng bài thơ “Gọi chồng” được bạn đọc nhận định là một bài thơ hay ấn tượng, rất đời…Bài thơ mộc mạc dản dị không dùng nhiều cú pháp để nêu sự việc mà là sự chân thành kính trọng, thương yêu của người vợ chờ chồng, gọi chồng trong ngày giỗ của Liệt sĩ.
Gọi chồng hiển hiện như một bức tranh tả thực, ngày giỗ của Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước trường tồn.
Nén hương thơm thấu cửu trùng
Chắp tay khấn gọi tên chồng, mình ơi!
Khôn thiêng góc biển chân trời
Về nhà cùng mẹ con tôi đi mình!
Ở tuổi bên kia dốc của cuộc đời, mái tóc đã pha sương pha nắng lặn trong gương mặt chịu đựng khô cằn, đôi tay chai sạn bởi lao động ở một vùng quê ven sông Cầu lam lũ; Chị- Người vợ của Liệt sĩ vẫn nức nở run run thắp nén tâm hương thầm “ Gọi chồng” chị gọi mình ơi...?
Nén hương thơm thấu cửu trùng
Chắp tay khấn gọi tên chồng- Mình ơi…
Chị không gọi tên anh cụ thể mà chỉ gọi “Mình ơi”  nó ấm áp bình dị thiết tha, có lẽ chỉ từ "trái tim đến trái tim" mới cảm nhận được điều thiêng liêng đậm chất nhân văn này.
Khôn thiêng góc biển chân trời
Về nhà cùng mẹ con tôi đi mình
Đọc đến đây ta thấy người thứ ba xuất hiện “ Mẹ con tôi” ; Liệt sĩ đã có một đứa con trước lúc lên đường; Dòng máu của anh, đứa con gái của anh đã chứng kiến “ Chị” mẹ cháu ở vậy quyết không tái giá…Vậy là chị đã một mình nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng và đứng vậy ôm kỷ niệm của một thời xuân sắc đã qua.
Thể thơ lục bát nhẹ nhàng như một dòng chảy, nâng niu lắng đọng tháng năm như những hạt phù sa; trân trọng tâm linh, là người đa cảm không khỏi rơm rớm nước mắt khi nghe câu “ Về nhà cùng mẹ con tôi.. Đi mình” Thật ấm áp chân tình như khi Liệt sĩ còn sống “ Về nhà cùng mẹ con tôi…Đi mình” Chị gọi, chị thiết tha năn nỉ, em vẫn đợi vẫn chờ anh về đi. Hình như trong tâm tưởng của chị anh vừa đi đâu đó, chứ không phải đã bao năm biền biệt, mới như hôm qua đây thôi rất gần, rất thực rất hiện hữu.
Bốn mươi năm hết chiến tranh
Sao mình vẫn phải hành quân chưa về…?
Từ trong sâu thẳm trái tim mình chị nghĩ anh vẫn chưa mất, anh chưa hy sinh còn lạc ở đâu đó, vì trong làng, ngoài xã thi thoảng vẫn có người chiến sĩ trở về mặc dù đã có tin hy sinh, chị vẫn nghĩ chồng mình là một trong số đó.
Nhà thơ hé mở thêm: Bốn mươi năm- quả thật, một thời gian không ngắn chút nào. Bốn mươi năm hết chiến tranh ( được tính từ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 và hôm nay 2015); Chị muốn anh “về” bằng con người thực; Sao mình vẫn phải hành quân chưa về? Một câu hỏi tu từ, chị tự hỏi và tự trả lời, chị vẫn đợi anh mà, chị vẫn đợi như lời thề “Hoa cỏ may” năm nào. Tay cầm nén hương với dòng lệ đã cạn khô bới năm tháng chị lại nhớ cái thời con gái: Ôm con đứng đợi bên dòng sông quê khi bóng chiều dần cạn..
Mỗi chiều nắng tím ven ven đê
Thẫn thờ  vẫn ngóng mình về mình ơi…
Ngày anh ra đi tuổi còn rất trẻ, cả một thế hệ lên đường tất cả cho tiền tuyến; như một nhà thơ nào đó đã viết “ Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”...
Mình lên đường tuổi đôi mươi
Hình xưa ánh mắt nụ cười còn đây
Bây giờ theo gió theo mây
Phiêu du mình nhớ lối này về không?
Ảnh của anh còn đây, trẻ trung vầng trán rộng nụ cười sáng trong…Có lẽ thế hệ thứ ba,thứ tư cháu của bà sẽ vô tư hỏi “ Bà ơi sao ông con trẻ thế?” Mà bà hiện hữu của nó lại già đi? Bạn hiểu, tôi hiểu nhưng cháu bé vô tư kia có hiểu không? Đó là chiến tranh, cuộc chiến vệ Quốc anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hình xưa…ánh mắt nụ cười; Anh đã không còn, anh đã theo gió, theo mây, nhưng chị vẫn nhắc: Phiêu du mình nhớ lối này về không?Ấm áp quá chân tình quá; Về đi anh về với mái tranh quê với triền sông bến nước với mẹ già ngóng đợi với vợ con trông chờ…
Bốn mươi năm vẫn ngóng trông
Mẹ con tôi vẫn âm thầm chắp tay
Thật cảm động ngày giỗ, ngày một, hôm rằm và bao ngày khác nữa hỡi anh người lính đã ngã xuống giữa chốn sa trường máu lửa.
Chập chờn trong khói hương bay
Chân hương phủ bát nhang đầy tháng năm
Vâng, hương khói như sương giăng, thực hư ảo ảnh, anh về, có thể anh không về? Nhưng minh chứng cho lòng chị là: Chân hương phủ bát nhang đầy tháng năm..
Trước bằng Tổ Quốc ghi công
Mâm cơm đạm bạc tấm lòng sắt son
Bia đá, Tổ Quốc ghi tạc công lao của các chị các anh, nhân dân không bao giờ quên sương máu của các anh các chị đã ngã xuống cho Tổ quốc này  xanh tươi.
Ngày ấy năm vẫn vẹn tròn
Con tim nay đã thành hòn Vọng Phu
Phương pháp so sánh, hòn Vọng Phu như hình chị ôm con chờ chồng giữa đời thực đã 40 năm và lâu hơn thế; Vọng phu= chờ chồng…Người thiếu phụ hóa đá Vọng phu; Chị hóa đá trong tấm lòng son sắt thủy chung.
Ngàn lời …Gửi cõi hư vô
Về đây tôi vẫn đợi chờ mình ơi..!!!
Xuyên xuốt bài thơ là chữ gọi,  chữ đợi, chữ chờ…Chị sẽ còn đợi còn chờ bao mùa cây thay lá nữa? không ai biết được; Nhưng có một điều hiện hữu đó là chị đã gọi chồng, gọi suốt 40 năm qua, dẫu chưa một lần được anh đáp lại chị vẫn gọi, gọi bằng cả tấm lòng chung thủy thương yêu vẹn tròn năm tháng, vì hình ảnh của anh luôn trong trái tim chị và luôn mãi là vậy, tới khi chị từ giã cõi đời.
Thơ Trịnh Quang Minh là vậy: Rất đời, rất dung dị giữa chốn nhân gian
Tháng bẩy đã về, ngày thương binh Liệt sĩ 27/7: Chúng ta cùng cung kính thắp nén tâm nhang cho hương hồn các Liệt sĩ được thanh thản tịnh độ nơi vĩnh hằng; chúng ta hãy làm nhiều việc tốt hơn để tri ân công lao to lớn của các anh các chị và những người có công với nước; cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương ngàn lần tươi đẹp, để sự hy sinh của các anh hùng Liệt sĩ, mãi mãi là vô giá cho hôm qua, hôm nay và mãi mai sau…
 Hương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét